Phát triển Android nâng cao

Chúng tôi có chương trình đào tạo Phát triển Android nâng cao (miễn phí) có thể giúp bạn nâng cấp kỹ năng lập trình cho Android theo nhịp độ của riêng bạn. Khoá học này sử dụng ngôn ngữ lập trình Java và hướng dẫn bạn cách mở rộng trải nghiệm người dùng, cải thiện hiệu suất ứng dụng và thêm các tính năng như thành phần hiển thị tuỳ chỉnh, ảnh động và nhận biết vị trí.

Mỗi bài học bao gồm một phần hướng dẫn có mã giải pháp trong GitHub, tài liệu về khái niệm và trang trình bày.

Giới thiệu về khoá học

Khoá học Phát triển Android nâng cao do Nhóm đào tạo nhà phát triển của Google xây dựng.

Mỗi bài chứa một hoặc nhiều lớp học lập trình có bài tập thực hành lập trình thiết thực, kèm theo bản trình bày và chương về khái niệm. Trong lớp học lập trình, bạn sẽ tạo ứng dụng để thực hành và hoàn thiện kỹ năng mà bạn học.

Các tài liệu này được cung cấp trực tuyến miễn phí để các nhà phát triển có kinh nghiệm có thể tự nghiên cứu.

Khoá học này có những nội dung nào?

Khoá học Phát triển Android nâng cao bao gồm 5 học phần:

Học phần 1: Mở rộng trải nghiệm người dùng

Học phần này nói về cách mở rộng ứng dụng để cải thiện trải nghiệm người dùng. Bạn có thể tìm hiểu cách sử dụng các mảnh (fragment), tiện ích (widget) và cảm biến (sensor).

Các bài trong Học phần 1 đều độc lập với nhau. Ví dụ: bạn có thể xem bài về cảm biến mà không cần hoàn thành các bài về mảnh và tiện ích.

Bài 1: Mảnh

Bài này giải thích thời điểm, lý do và cách sử dụng mảnh (fragment). Bạn sẽ tìm hiểu cách đưa một mảnh vào giao diện người dùng (UI) của hoạt động (activity), bằng cách cung cấp theo phương thức tĩnh hoặc động. Bạn cũng tìm hiểu cách một hoạt động giao tiếp với các mảnh. Bạn triển khai một tình huống điển hình cho các mảnh bằng cách xây dựng một ứng dụng có bố cục chính/chi tiết.

Bài 2: Tiện ích ứng dụng

Tìm hiểu về các tiện ích ứng dụng (app widget) – các thành phần hiển thị thu nhỏ của ứng dụng xuất hiện trên màn hình chính của Android. Khám phá cách thêm tiện ích vào dự án, xử lý các yêu cầu cập nhật và giúp tiện ích có tính tương tác.

Bài 3: Cảm biến

Tìm hiểu cách sử dụng khung cảm biến Android để lấy dữ liệu qua các cảm biến của thiết bị như cảm biến gia tốc và cảm biến từ trường. Xây dựng một ứng dụng phản hồi trước trạng thái nghiêng thiết bị.

Học phần 2: Tăng tốc độ và giảm kích thước ứng dụng

Học phần này trình bày cách sử dụng các công cụ để xác định vấn đề về hiệu suất trong ứng dụng, nhờ đó, bạn có thể giúp ứng dụng chạy nhanh và hiệu quả hơn.

Bài 4: Hiệu suất

Bài này giải thích vì sao hiệu suất của ứng dụng Android lại quan trọng cũng như mô tả các cách để tối ưu hoá hiệu suất ứng dụng.

Bạn tìm hiểu cách đo lường và cải thiện hiệu suất kết xuất và hiệu suất bộ nhớ, đồng thời tìm hiểu các phương pháp hay nhất về lệnh gọi mạng, sử dụng pin và nén dữ liệu. Bạn sử dụng các công cụ phân tích tài nguyên Android có trong Android Studio, cũng như các công cụ dòng lệnh và công cụ trên thiết bị.

Học phần 3: Hỗ trợ tiếp cận trong ứng dụng

Học phần này thảo luận cách bản địa hoá ứng dụng sang các ngôn ngữ khác và cách xây dựng các tính năng hỗ trợ người dùng khuyết tật trong ứng dụng.

Bài 5: Bản địa hoá

Tìm hiểu cách cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nhiều ngôn ngữ bằng cách sử dụng tài nguyên chuỗi (string resource) và Translations Editor (Trình chỉnh sửa bản dịch) trong Android Studio. Bạn cũng có thể tìm hiểu cách hiển thị ngày, giờ, số, đơn vị tiền tệ và các thông tin khác ở định dạng phù hợp với ngôn ngữ mà người dùng chọn.

Bài 6: Hỗ trợ tiếp cận

Tìm hiểu cách giúp mọi người dễ dàng tiếp cận ứng dụng của bạn, kể cả người khuyết tật. Bạn khám phá các tuỳ chọn hỗ trợ tiếp cận có sẵn trong nền tảng Android và tìm hiểu cách sửa đổi một ứng dụng để ứng dụng đó dễ tiếp cận hơn.

Học phần 4: Thêm các tính năng địa lý vào ứng dụng

Học phần này thảo luận cách mở rộng ứng dụng để thêm chức năng liên quan đến vị trí. Bao gồm việc phát hiện và sử dụng thông tin vị trí của thiết bị, bằng cách sử dụng Places API cũng như tạo và hiển thị bản đồ.

Bài 7: Vị trí

Tìm hiểu cách sử dụng các API Dịch vụ vị trí để nhận thông tin về vị trí thiết bị, nhận thông tin cập nhật vị trí định kỳ và chuyển toạ độ địa lý thành địa chỉ thực tế.

Bài 8: Địa điểm

Tìm hiểu cách phát hiện địa điểm hiện tại của người dùng (chẳng hạn như tại một thư viện, trường học hoặc ga tàu) cũng cách giúp ứng dụng có thể tìm kiếm địa điểm.

Bài 9: Bản đồ

Tìm hiểu cách tích hợp Google Maps vào ứng dụng và sử dụng các tính năng như điểm đánh dấu vị trí, định kiểu bản đồ, Chế độ xem phố và theo dõi vị trí.

Học phần 5: Thành phần hiển thị và đồ hoạ nâng cao

Học phần này trình bày cách tạo các thành phần hiển thị tuỳ chỉnh và đồ hoạ nâng cao.

Bài 10: Thành phần hiển thị tuỳ chỉnh

Bài này trình bày cách tạo một thành phần hiển thị tuỳ chỉnh mở rộng hoặc thay thế chức năng của các thành phần hiển thị như nút và trường văn bản. Thành phần hiển thị tuỳ chỉnh kế thừa giao diện và hành vi của thành phần hiển thị gốc, đồng thời, bạn có thể ghi đè hành vi hoặc thuộc tính giao diện mà bạn muốn thay đổi.

Bài 11: Canvas

Tìm hiểu cách vẽ trên đối tượng Canvas, ghi đè phương thức onDraw() và sử dụng các kỹ thuật cắt xén để tối ưu hoá bản vẽ. Trong bài này, bạn sẽ tạo một ứng dụng sử dụng đối tượng SurfaceView để vẽ qua một luồng riêng biệt.

Bài 12: Ảnh động

Bài này giải thích cách tạo nhiều loại ảnh động trong Android. Bạn sẽ tìm hiểu cách sử dụng ảnh động thuộc tính, nhóm ảnh động vào các tập hợp, sử dụng bộ nội suy và thử nghiệm ảnh động dựa trên vật lý.

Bài 13: Phát video

Bài này hướng dẫn bạn cách phát video trong ứng dụng, hiện và sử dụng trình điều khiển video, cũng như phát các tệp nội dung đa phương tiện nhúng trong ứng dụng hoặc phát trực tuyến qua Internet.

Điều kiện tiên quyết

Khoá học Phát triển Android nâng cao dành cho các nhà phát triển có kinh nghiệm, biết cách lập trình Java và nắm kiến thức cơ bản về cách xây dựng ứng dụng Android bằng ngôn ngữ Java. Khoá học này giả định rằng bạn đã nắm vững các chủ đề trong các Học phần 1 đến 4 của khoá học Kiến thức cơ bản dành cho nhà phát triển Android.

Cụ thể, khoá học này giả định rằng bạn biết cách:

  • Cài đặt và sử dụng Android Studio.
  • Chạy ứng dụng qua Android Studio trên cả thiết bị và trình mô phỏng.
  • Tạo và sử dụng các hoạt động trong Android.
  • Sử dụng thành phần hiển thị để tạo giao diện người dùng của ứng dụng.
  • Nhận biết tương tác của người dùng thông qua trình xử lý lượt nhấp.
  • Tạo bố cục bằng Layout Editor (Trình chỉnh sửa bố cục) trong Android Studio.
  • Tạo và sử dụng RecyclerView.
  • Chạy các nhiệm vụ ở chế độ nền.
  • Lưu dữ liệu trong chế độ ưu tiên dùng chung trên Android.
  • Lưu dữ liệu trong cơ sở dữ liệu SQL cục bộ